Sài Gòn một ngày mưa sụt sùi, câu chuyện ổ bánh mì và sự cứng nhắc qui định đã có một cái kết bất ngờ. Đúng sai trong chuyện này có lẽ chẳng nhất thiết phải nổ ra một cuộc tranh cãi. Nhưng cái đọng lại suốt đêm nay và những ngày sau đó là tại sao anh công nhân lại bị thôi việc? Chuyện hề hước xứ nào cũng có, nhưng câu chuyện đẩy người lao động ra đường giữa thời điểm khó khăn này liệu có phải là đạo lý của người làm chủ? Liệu có bất cứ điều gì uẩn khúc sau quyết định này? Nhưng dù có bạo biện như thế nào thì chén cơm của người lao động, ngay thời khắc dịch tràn này, suy cho cùng là chén cơm bấp bênh, đầy lo âu khi đi kiếm, và cũng nhọc nhằn những giọt nước mắt.
Sài Gòn tâm dịch khi số ca bắt đầu lên đến hơn 3 ngàn ca. Hầu như các hoạt động doanh nghiệp đóng băng, người lao động chẳng thể kiếm nổi một đồng trong những ngày này. Bữa ăn của họ chính là sự tích cóp của những ngày công lao động trước đó. Mà cũng dễ chừng hơn tháng rồi, tiền đâu thể chịu thấu. Bữa ăn dần chuyển sang mì gói, bánh mì, hoặc chỉ nồi cơm cùng vài con cá khô. Khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn, những bao gạo nghĩa tình, những thùng mì gói tiếp tế được gởi len lỏi vào trong cho dân lao động xóm nghèo. Có khu giăng dây hơn 18 ngày không rời đi đâu để kiếm gạo, kiếm rau, như một khu phố ở Nhà Bè. Họ phải lên mạng kêu gọi, và sống bằng những phần quà từ thiện của mạnh thường quân, bằng phần cơm từ thiện của các nơi gởi tặng.
Nếu chỉ nhìn Sài Gòn bằng sự phồn thịnh không thì chắc chắn bạn chưa hiểu thấu Sài Gòn. Đâu đó ở mảnh đất này dân nghèo vẫn còn đầy. Họ về đây, chọn nơi này để mưu sinh, lập thân và định danh. Cuộc đời cũng từ đó mà gắn chặt, bám rễ đất này. Họ là một phần không thể thiếu của Sài Gòn. Người ta bảo xứ này bao dung, người Sài Gòn trượng nghĩa. Nhất là thời khắc này, Sài Gòn tử tế hơn bao giờ hết. Chẳng thể đong đếm nổi bao nhiêu phần quà là những mặt hàng thiết yếu cho đời sống tối thiểu của con người được dân Sài Gòn chuyền tay nhau, chia sẻ, kêu gọi thậm chí chỉ cho nhau nơi thiếu khó mà tìm đến trao gởi. Bằng mọi cách, từ xe hơi chở nhiều, xe ba gác cho tiện, thậm chí xe gắn máy để dễ luồn lách vào hẻm sâu, ngõ cụt. Bữa cơm miễn phí cũng phát đến nhiều mảnh đời, ai cần cứ nhận, ai nhận giúp cứ đến lấy cho người chẳng thể đến nhận được. Tất cả chẳng vu lợi, tất cả là hoan hỉ, cho càng nhiều càng tốt. Là hôm đó Sài Gòn bớt đói một ngày.
Đêm Sài Gòn vẫn còn nhiều phận đời lang bạt trong cuộc mưu sinh, trong nỗi đời hiên, trong sự lạc bước. Đâu đó ở đất này, nhiều lắm những mảnh đời hiên, đời gầm cầu, đời xó chợ... Vậy nên, hằng đêm bánh mì Sài Gòn chẳng rao, nhưng đã âm thầm tìm đến những nơi như vậy, trao bữa lót dạ cho nhiều mảnh đời như thế. Họ như một lát cắt tăm tối của bức tranh Sài Gòn kiêu kì. Như một nốt trầm giữa khuông nhạc cao vút của thành phố. Nhưng thiếu họ, bức tranh chẳng tròn vẹn, khuông nhạc chẳng đầy đặn. Tiếng rao bánh mì đi vào lòng bao thế hệ dân Sài Gòn nay không cần thanh âm nhưng vẫn vang vọng cả một thế hệ. Thế hệ mà ngày sau khi nhắc đến, vẫn nhớ mỗi đêm hơn 1000 ổ "Bánh mì Sài Gòn 0 đồng một ổ, đặc ruột yêu thương" đã được trao đi như thế đấy.
Bánh mì vốn dĩ là một bữa ăn ít tốn kém nhất, bình dân nhất của tầng lớp lao động, nếu không muốn nói là yếu thế với thu nhập cơ bản thấp giữa thị thành này. Vậy mà, bánh mì nuôi sống họ, cầm bụng họ, dẫn dắt họ đi qua biết bao năm tháng sinh sống nơi này. Mấy ai đến Sài Gòn, mà chưa một lần ăn bánh mì Sài Gòn? Chưa một lần cồn cào trong bụng, thả xe chạy ngay tới một góc ngã ba ngã tư nào đó, thấy cái xe bánh mì lề đường, 10 ngàn, 15 ngàn là no nê bụng. Câu chuyện bánh mì là câu chuyện muôn thuở nhiều thời của biết bao phận người từ hàn vi cho đến lúc có danh vị, vật chất cao sang. Chẳng cần kiếm đâu xa, cứ lê la Sài Gòn một sáng nào đó, ngang một con đường thấy khối người gặm bánh mì bên quán cà phê lóc cóc. Đó Sài Gòn là vậy đó, giản dị, bình dân và thân gần. Nhất là những buổi đêm đói bụng, bánh mì luôn là thứ cứu cánh cho người Sài Gòn. Vậy nên với những gì nhóm "Bánh mì yêu thương" đang làm hằng dêm, mình tin đó là câu chuyện mà mãi sau này, chúng ta sẽ luôn nhắc nhớ về một món ăn vừa ngon lại đẹp thiện lương của người Sài Gòn.
Thời khắc này chưa chắc đã là đỉnh dịch, chỉ thị 16 đang cố gắng kiểm soát cơn dịch, việc ra đường cho nhu cầu cần thiết phải được duyệt kĩ càng. Nhưng mình nghĩ, lòng người lúc này nên bao dung và thấu hiểu nhau hơn. Một câu chuyện nhỏ, nếu xử lý khéo léo sẽ là một dấu ấn đẹp trong lòng người dân. Nhưng nếu vụng về và chọn cái tôi để minh chứng đúng sai lại càng gây thêm nhiều phiền phức chẳng đáng có. Suy cho cùng, nơi nào cũng phải chống dịch, người nào cũng sợ dịch, nhất là người lao động, bởi chính họ mới thấm thía những mất mát mà cơn đại dịch đem lại. Chính người lao động mới là thành phần ảnh hưởng nặng nề nhất thời khắc này.
Nếu được hãy giữ chén cơm họ, hãy cho họ một niềm tin rằng công việc vẫn chờ họ, đừng đẩy họ ra ngoài đường dao dác cuộc mưu sinh, hoang mang chuyện mất còn một cái cần câu cơm, ác lắm!
Mình vẫn nhìn cơn đại dịch này bằng một tâm thế an tĩnh, và bằng những nguồn năng lượng tích cực nhất. Sau cơn mưa trời sẽ lại có cầu vồng. Sau bão giông đất lại nở hoa. Sông đời còn lắm phù sa. Sài Gòn vẫn còn bánh mì, yêu thương vẫn sẽ lan tỏa trên mảnh đất này. Dẫu phố giăng dây, nhưng chẳng thể ngăn lòng người nối liền một khối. Dẫu còn lắm điều chưa thể vừa lòng hợp ý mọi người, nhưng chỉ cần mỗi một người chung tay góp sức, chúng ta sẽ đi qua cơn đại dịch này bằng chính câu chuyện bó đũa mà ngày nhỏ từng được dạy!
Một sớm mai nào đó khi nắng xanh lành phủ lên phố phường Sài Gòn, ngã tư nháo nhác tiếng còi xe; chiếc xe bánh mì í ới tiếng pate, thịt nguội, chả lụa; quán cóc liêu xiêu với ly cà phê; người Sài Gòn lại thong dong hàn huyên. Chuyện cũ bỏ qua, tất cả rồi cũng ổn thôi mà!
Sài Gòn giản đơn là thế, câu nệ gì đâu những chuyện cỏn con.
Sài Gòn
Thương từ trong ruột thương ra
Thương từ ngã bảy ngã ba thương về.
Tống Phước Bảo
VuLe St
Ảnh của hoạ sĩ Trần Trung Lĩnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét