Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

Bảo vệ môi trường và 4 chuyện nhỏ nhặt trên đường

Posted by Thiên Thanh on tháng 3 21, 2021 with No comments

 



TTO - Khi nói đến bảo vệ môi trường, nhiều người vẫn còn suy nghĩ đó là những chuyện to tát, là trách nhiệm của cơ quan chức năng nhưng theo tôi, nên bắt đầu từ ý thức, hành động cụ thể của từng cá nhân và tập thể.

Bất kỳ ai trong xã hội cũng có thể chung tay, góp sức để có được một môi trường sống tốt hơn. Sau đây là bốn câu chuyện tôi mắt thấy tai nghe.

1. Trên con đường giờ tan tầm, xe cộ như mắc cửi. Ai cũng hối hả, chen lấn nhau từng khoảng trống nhỏ nhoi để thoát khỏi đám đông ùn tắc. Mấy cô cậu học trò nhỏ tranh thủ lót dạ rồi thản nhiên quăng xuống đường đủ loại rác rến từ mẩu giấy gói, bao nilông đựng thức ăn đến vỏ chai, hộp sữa...

Chứng kiến cảnh ấy, nhiều người lắc đầu ngán ngẩm nhưng cũng không ít kẻ coi như chuyện bình thường.

Tôi từng nhiều lần chứng kiến nhiều người lên tiếng nhắc nhở các cháu đừng vứt rác ra đường. Phụ huynh có người thấy quê nên tăng tốc chạy mất, nhưng cũng có người sừng sộ cãi chày cãi cối. Chỉ có các bé thể hiện rõ sự hối lỗi bằng lời lí nhí vâng, dạ hoặc thầm thì với người lớn: "Mai mốt ba/mẹ nhớ kiếm thùng rác cho con bỏ vô nhe!".

2. Nhà sách tương đối bề thế với nhiều mặt hàng khác nhau thu hút lượng khách không nhỏ mỗi ngày trên con đường sầm uất ở trung tâm thành phố. Lạ ở chỗ tại quầy tính tiền, cô thu ngân luôn khuyến khích khách hàng cho sách đã mua vào balô hoặc bỏ vào cốp xe thay vì dùng túi nilông miễn phí.

Lần đầu đến đây, dường như không ít người cảm thấy không thoải mái, bị phiền phức với yêu cầu này. Tuy nhiên khi hiểu ra đây là hành động vì mục tiêu bảo vệ môi trường thì ai cũng ủng hộ.

Chủ nhà sách, một cô gái khá trẻ, cho biết đối với những khách hàng vào đây mua sắm nhiều thứ thì quả là một thử thách khi đề nghị họ không dùng túi nilông. Nhà sách cũng đã nghĩ đến việc sử dụng túi nilông tự hoại sau một thời gian ngắn. Tiếc là chưa tìm được nơi chịu cung cấp dạng túi này với số lượng nhỏ.

3. Một người quản lý nhà hàng ở quận 7 lại có một kiểu trang trí Giáng sinh độc đáo, khác người. Thay vì mua các vật liệu bán sẵn hay thuê người làm, anh lại cho nhân viên nhà hàng cùng chung tay thực hiện cây Noel bằng vỏ chai nước uống.



Ngay từ lúc chỉ mới là ý tưởng đã có không ít lời ra tiếng vào. Nhưng anh đã thuyết phục được từ ban giám đốc tới nhiều người khác để tất cả cùng chung tay thực hiện. Anh chia sẻ về chi phí cũng chẳng tiết kiệm bao nhiêu nhưng hiệu quả khó đo đếm hết.

Do ai cũng quen mắt với các loại cây Noel bằng nhựa mà nơi nào cũng có nên khi đến đây, khá nhiều người trầm trồ thích thú, thán phục, nhất là khi nghe giải thích về ý tưởng bảo vệ môi trường. Có người đi đường thấy lạ cũng tấp xe vô hỏi này nọ, rồi xin chụp hình để về người nhà xem cho biết.

4. Vườn thực vật của một trường THCS khá thu hút sự quan tâm của nhiều người. Cũng chỉ trồng các loại hoa kiểng, rau cỏ quen thuộc nhưng điều đặc biệt ở đây là những vật dụng thường bị bỏ đi như chai lọ, bình nhựa, bánh xe... đều được tận dụng để trở thành những vật hữu ích.



Bình đựng dầu ăn, nước rửa chén được trang trí thành những đầu voi xinh xắn, ngộ nghĩnh, còn bình đựng nước uống loại 20 lít được sơn phết thành những chú Minion rực rỡ, tươi vui.

Các thầy cô cho biết qua nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, nhưng chính khu vườn tận dụng từ vật liệu tái chế này đã tạo được sự thay đổi đáng kể về ý thức gìn giữ môi trường xanh - sạch.
***
Hãy bắt đầu việc phân loại rác thải sinh hoạt, tái chế những thứ có thể dùng được, bỏ rác đúng chỗ... trước khi nghĩ đến những điều lớn hơn.
Chung Thanh Huy/ Báo Tuổi Trẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét