Gia đình là chốn đi về của ký ức, là bến đỗ neo giữ yêu thương của đời người. Đọc mẫu truyện ngắn dưới đây, có lẽ bạn sẽ biết trân quý tổ ấm của mình hơn.
Câu chuyện thứ nhất
Cha luôn ao ước tặng mẹ một chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà, đeo vòng rất đẹp. Nhưng mỗi khi cha định mua, mẹ lại can. Mẹ bảo: “Để tiền ấy mua sách vở cho tụi nhỏ”. Bao nhiêu năm qua đi, bàn tay mẹ đã sạm đen, chai sạn vì sương gió cuộc đời. Bao nhiêu năm qua đi, chị em tôi cũng trưởng thành cả, rồi lập gia đình, rồi sinh con. Bao nhiêu năm ấy, mẹ vẫn chưa một lần đeo vòng cẩm thạch.
Ngày sinh nhật mẹ, chúng tôi mua tặng bà một chiếc vòng đẹp nhất. Mẹ vui lắm, cứ cười mãi. Bà cất kỹ trong tủ, chỉ thi thoảng mới mang ra ngắm nghía một lát. Tôi hỏi: “Sao mẹ không đeo?”. Mẹ nheo mắt cười: “Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ cần nhìn cũng thấy vui”. Chị em tôi chẳng ai bảo ai, lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau mà rưng rưng lệ.
Câu chuyện thứ hai
Chồng tôi sinh ra đã vào trại trẻ mồ côi. Trừ tiếng khóc lúc lọt lòng, anh không hề khóc thêm một lần nào nữa. Năm 20 tuổi, cuối cùng anh cũng tìm được mẹ của mình. Nhưng hai mẹ con vẫn không được đoàn tụ cùng nhau. Một lần nữa, mẹ anh lại đành chối bỏ con. Anh lẳng lặng ra đi, không rơi một giọt nước mắt. Năm 40 tuổi, một lần anh tình cờ đọc được trên báo tin tìm con của mẹ mình. Anh bật khóc. Tôi hỏi tại sao khóc. Anh nói: “Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc chắn mẹ còn khổ tâm hơn anh”.
Tôi còn nhớ lời của một bài hát rất nổi tiếng của Phương Thảo – Ngọc Lễ, hát rằng: “Gia đình gia đình. Ôm ấp những ngày thơ. Cho ta bao kỷ niệm thương mến. Gia đình gia đình. Vương vấn bước chân ta đi. Ấm áp trái tim quay về”. Hai chữ gia đình lắm thiêng liêng ấy mấy ai thấu hiểu? Khi còn bé, ai cũng mong muốn sớm trưởng thành, tự do bay nhảy đến những chân trời lạ bằng đôi cánh của riêng mình. Nhưng những khi bị sóng gió cuộc đời đánh ngã, ta chỉ mong được trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ, của cha.
Nhà thơ thời Đường, Hạ Tri Chương, trong một bài thơ nổi tiếng nhất của mình đã viết:
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao tồi
Nghĩa là: Lúc nhỏ xa nhà, lúc già về thăm. Giọng quê không thay đổi, chỉ có tóc đã điểm bạc.
Đời người như dòng sông cuộn chảy, nước trôi qua cầu không giữ lại được. Trong dòng đời đen bạc, trong loạn thế thị phi, chỉ có gia đình mới là sợi dây níu giữ tình yêu, lòng trắc ẩn của con người.
Văn Nhược/ DKN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét