Cổ nhân có câu: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Gia đình chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội, cũng là nơi bảo vệ ta trước sóng gió cuộc đời. Một ngôi nhà bắt đầu bằng hôn nhân và trở thành nơi mài giũa con người, do đó vai trò của vợ và chồng trong gia đình là rất trọng yếu.
Một gia đình suy hay thịnh trước hết phải xem vợ chồng có chung sống hòa hợp hay không. Chỉ khi họ có thể hòa hợp, đồng tâm đồng lòng thì mới có thể vượt qua mọi khó khăn gian khổ và sống một cuộc đời bình yên.
Do đó, đạo chung sống của vợ chồng sẽ quyết định sự hưng suy của gia đình, và đó cũng là tấm gương cho con cái noi theo. Nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mỗi người mà còn ảnh hưởng đến cả “huyết mạch” của gia đình. Như câu nói: “Vợ chồng hòa hợp thì gia đình hưng, vợ chồng không hòa hợp thì gia đình sẽ ly tán”.
Vợ chồng càng gần gũi càng dễ mâu thuẫn
Người xưa thường chú trọng đạo trung dung, cái gì thái quá đều không tốt. Có thể thấy, trong thời điểm dịch bệnh nghiêm trọng, tỷ lệ ly hôn ở một số quốc gia đặc biệt tăng cao, cũng là bởi vì trong thời gian dài cả ngày vợ chồng ở với nhau đã có không ít mâu thuẫn nổi lên. Nếu không thể bao dung nhường nhịn thì cuối cùng rồi sẽ tìm đến ly hôn.
Có một thuật ngữ học thuật gọi là “Nguyên tắc con nhím”: Vào mùa đông, hai con nhím muốn ôm nhau để giữ ấm, nhưng vì có quá nhiều gai trên cơ thể nên cả hai đều bị gai đâm đến bị thương do đó chúng đành phải tách ra.
Vợ chồng sống chung cũng vậy, mới đầu thì yêu nhau tha thiết, có ấn tượng tốt về nhau, rồi dần dần muốn ở bên nhau, thậm chí coi đối phương là người “duy nhất” trong đời mình. Nhưng thời gian trôi qua, khi càng hiểu thêm về nhau thì tình cảm càng giảm dần và xung đột sẽ càng ngày càng tăng lên.
Một cặp vợ chồng “mới kết hôn” hay “đã kết hôn lâu” sẽ không khó để nhìn ra. Người mới kết hôn đối đãi với nhau bằng tình cảm nồng cháy, còn người kết hôn đã lâu sẽ lấy tâm tình bình hòa mà đối đãi. Các cặp vợ chồng có gia đình hòa thuận sẽ không giống như những con nhím muốn ôm nhau để giữ ấm, lại càng không dùng gai của mình để làm tổn thương đối phương. Mà thay vào đó, luôn có chừng mực, đưa gia đình đi vào nề nếp.
Cặp đôi càng xa cách càng dễ lạnh nhạt
So với việc quá thân thiết, mối quan hệ vợ chồng hời hợt quá mức cũng dễ dàng trở thành trạng thái “tồn tại trên danh nghĩa”.
Rất nhiều cặp vợ chồng có quan hệ hôn nhân không tốt thì mâu thuẫn gia đình cũng nhiều. Một bên không chịu nhường, một bên không muốn bao dung người kia. Mối quan hệ căng thẳng này cũng khiến cuộc sống lẽ ra phải bình yên lại luôn tràn ngập không khí của “chiến tranh lạnh”.
Kiểu hời hợt giữa vợ chồng với nhau rất dễ dàng tạo thành bầu không khí “chiến tranh lạnh” này. Mà điều đáng sợ nhất trong hôn nhân lại chính là “chiến tranh lạnh”, nó sẽ mang đến tổn thương đau đớn cho người ta.
Đạo trung dung giữa vợ chồng mới có thể chung sống lâu dài
San Mao (một nhà văn và dịch giả người Đài Loan) đã từng nói: “Đời người giống như ba loại trà, loại thứ nhất có vị đắng của nhân sinh; loại thứ hai có vị ngọt ái tình; loại thứ ba nhạt như cơn gió”.
Ba trạng thái “trà” này cũng giống như cuộc sống gia đình và mối quan hệ vợ chồng. Cuộc sống quá áp lực, dễ dàng phát sinh “vợ chồng không thương yêu nhau sẽ có trăm chuyện bi ai”, sẽ thường xảy ra cãi vã trong gia đình. Mà cuộc sống hôn nhân quá ngọt ngào thì thường không thể kéo dài, chỉ trong thời gian ngắn ngủi lại trở thành “nhạt nhẽo”.
Hôn nhân chính là khi tình yêu trở nên phai nhạt cặp đôi vẫn có thể nâng đỡ lẫn nhau và cùng nhau thưởng ngoạn trên hành trình nhân sinh. Những người với lý do “không còn tình cảm” mà chia tay chỉ là muốn tìm kiếm “mùa xuân thứ hai” để sống lại tình yêu ngọt ngào, điều đó chỉ khiến người ta phải đối mặt với một vòng tuần hoàn ác tính không bao giờ kết thúc.
Bằng hữu tương giao cũng giống như “quân tử chi giao nhạt như nước”, mà rất nhiều cặp vợ chồng già đã trải qua những thăng trầm của đời người, đối đãi với nửa kia của họ chính là “tương kính như tân” (tôn trọng như thuở đầu), không vượt qua ranh giới cuối cùng của nhau, cũng không xâm phạm điều riêng tư của nhau, mà là tôn trọng lẫn nhau, giống như nước vậy, chảy liên tục không ngừng và dài lâu.
Nếu vợ chồng có thể chung sống lâu dài với nhau thì gia đình có thể dần dần thịnh vượng. Trong phần còn lại của cuộc đời sẽ sống cuộc sống hôn nhân của mình như “trà” và sống cuộc sống gia đình sẽ giống như “nước”. Chỉ sau khi từ từ ngấm, mới có thể có một tách trà ngon, đầy hương thơm và dư vị.
Nguồn Tuệ Tâm (Theo Secretchina)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét