Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

KHI TA GIÀ ĐI

Posted by Thiên Thanh on tháng 6 30, 2021 with No comments

 



Hai tuần lui tới bệnh viện, tận mắt chứng kiến những bệnh nhân cao tuổi ở Khoa tim mạch, tiếp xúc, nói chuyện với những bệnh nhân già, chợt nghĩ, đến một ngày ta già đi, ta sẽ tự nhủ mình rằng:

Khi ta già đi, ta sẽ không lo nghĩ mấy cái chuyện bao đồng của con cháu 3 đời như cha mẹ ta thường lo lắng. Bởi con cháu đứa nào cũng có cuộc sống riêng của nó, ta cần sự tĩnh lặng để thư thái, nghỉ ngơi và cứ để mọi thứ thuận theo quy luật tự nhiên của cuộc sống.

Khi ta già đi, ta sẽ không nhắc nhở con cháu về một điều gì đó quá cũ, rót vào tai chúng mãi một câu chuyện xa xưa, hay dặn dò chúng những điều hết sức lạc hậu. Cho dù nói nhiều hay ít thì con cháu nó vẫn cho rằng, đó chỉ là lý lẽ vớ vẩn của người già.

Khi ta già đi, ta học cách buông tay, ta chẳng cần phải nghĩ ngợi những người trẻ mỗi ngày nó lướt qua đời ta một cách nhẹ nhàng như thế nào, ta chỉ mong mình đủ sức để tự nấu một món ăn thật nhừ, đủ sức để tự tắm rửa hàng ngày, ta cũng không câu nệ mọi ngóc ngách trong nhà đều phải tinh tươm sạch sẽ, mà chỉ chú ý đến sức khỏe của bản thân mình, nhằm giảm bớt áp lực cho con cháu khi phải chăm sóc ta.

Khi ta già đi, ta cũng mong trời thương, nằm xuống, nhắm mắt một phát là đi ngay. Bởi ta đã nhìn thấy nhiều cảnh đau lòng xảy ra khi con cái chăm sóc cha mẹ già. Có nhiều chuyện bấy lâu nay ta cứ nghĩ nó chỉ có trong văn học thời hiện thực phê phán, nhưng không, nó vẫn được diễn ra trong cuộc sống thường nhật. Mà nghĩ đi rồi cũng nghĩ lại, thực ra thì con cái ai cũng tốt và có hiếu với cha mẹ cả thôi, nhưng khi bố mẹ trở thành gánh nặng hàng ngày, nhiều ngày thì tình cảm sẽ mai một dần đến mức không còn thấy thương yêu nữa, chỉ còn thấy chịu đựng, thấy khổ sở, nhất là con rể hoặc dâu và cháu, những người không trực hệ, không được ông bà trực tiếp đẻ ra.




Và khi ta già đi, ta muốn chẳng nợ nần gì nhau trong cuộc đời này, chỉ cần được an yên, bởi ta nghĩ bất cứ ai, cho dù một thời trẻ hoài bão, ngang dọc, vội vã, và rồi cũng đến lúc già, chỉ cần hai chữ an yên mà thôi.
LÊ QUÝ HOÀNG

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Viết thư cho chú chó đã mất trên 'thiên đường', bé gái nhận được ‘hồi âm’ bất ngờ

Posted by Thiên Thanh on tháng 6 28, 2021 with No comments

 



Trẻ nhỏ rất ngây thơ và luôn tràn đầy tình yêu thương trong trái tim. Những câu chuyện về trẻ em và động vật luôn khiến chúng ta mỉm cười và cảm động. Người xưa nói “Nhân chi sơ tính bản thiện” - ý nói con người ngay từ khi sinh ra đã có Thiện tính. Câu chuyện dưới đây có lẽ là một cách hay để chúng ta bắt đầu ngày mới với nụ cười và niềm hạnh phúc.
Maci là một cô bé 4 tuổi sống tại Connecticut, Hoa Kỳ. Cô bé từng có một chú chó cưng tên là Kendall, cả hai ngày ngày cùng chơi bên cạnh nhau không rời. Nhưng Kendall đã mất vào tháng 4 năm ngoái và điều đó khiến Messi rất đau lòng.

Mẹ của Maci, cô Crystal Hopkins nói rằng cái chết của Kendall khiến Messi rất buồn. Và cô bé đã vẽ một bức tranh cho Kendall như một bức thư để bày tỏ thông điệp rằng mình rất nhớ chú chó. Cô bé hy vọng Kendall ở trên Thiên đường có thể nhận được bức tranh này. Mặc dù không hy vọng nhận được hồi âm, cô bé cảm thấy hạnh phúc vì nghĩ rằng chú cún cưng sẽ nhận được tình cảm của mình.

Sau khi cô Hopkins đóng dấu vào bức thư và viết “Thiên đường" (Heaven) là địa chỉ của người nhận, Maci đã trao bức thư cho người đưa thư Kenneth Rodin. Ông Rodin nói với Maci rằng ông ấy sẽ gửi bức thư cho Kendall trên Thiên đường.

Một ngày sau, một người đưa thư khác là Dave Rooks, đã mang thư “hồi âm” đến, bên trong có một dòng chữ: “Cảm ơn đã vẽ bức tranh tặng tôi. Yêu cô chủ!”

Cô Hopkins nói rằng khi người đưa thư nói với Maci rằng cô bé có thư trả lời, Maci đã ôm chặt bức thư vào lòng. Cô bé nói rằng Kendall yêu và nhớ cô bé, và điều đó khiến Maci vui vẻ và hoạt bát trở lại.

Mẹ của Maci đã rất ngạc nhiên trước hành động “đáng yêu” của các nhân viên bưu điện, và cô cũng cảm ơn họ vì hành động đẹp này đã khiến Maci mỉm cười.

Dù Kendall không còn bên cạnh Maci, nhưng giờ đây cô bé biết rằng họ vẫn luôn là bạn của nhau và những kỷ niệm đẹp vẫn nằm trong trái tim của Maci.
Theo Từ Tịnh/ Báo Khung Trời Mới

Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021

Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

𝐍𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐩𝐡𝐮̣ 𝐧𝐮̛̃ 𝐛𝐚́𝐧 𝐯𝐞́ 𝐬𝐨̂́ 𝐭𝐫𝐨̛̉ 𝐭𝐡𝐚̀𝐧𝐡 𝐧𝐡𝐚̂𝐧 𝐯𝐚̣̂𝐭 𝐭𝐫𝐮𝐲𝐞̂̀𝐧 𝐜𝐚̉𝐦 𝐡𝐮̛́𝐧𝐠 𝐧𝐚̆𝐦 𝟐𝟎𝟐𝟏 𝐜𝐮̉𝐚 𝐅𝐨𝐫𝐛𝐞𝐬 𝐕𝐢𝐞̣̂𝐭 𝐍𝐚𝐦

Posted by Thiên Thanh on tháng 6 26, 2021 with No comments

 




Mới đây, Tạp chí Forbes Việt Nam đã bình chọn bà Trần Thị Kim Thia (63 tuổi; ngụ tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) là 1 trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021. Điều đặc biệt là, không giống như những nhân vật điển hình mà tạp chí Forbes vẫn vinh danh, bà Thia chỉ là một nông dân nghèo khổ miền sông nước.

Bà Trần Thị Kim Thia được người dân gọi với cái tên trìu mến, thân thương là “bà Sáu Thia” vì bà thứ sáu trong gia đình. Quê bà ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Do nhà nghèo, cha mẹ bà lần lượt qua đời nên lúc 34 tuổi, bà tha hương đến xã Hưng Thạnh làm thuê kiếm sống.

Hằng ngày, bà đi bán vé số để mưu sinh. Xong việc, bà về dạy bơi miễn phí cho trẻ em miệt sông nước ở miền Tây. Sự cống hiến thầm lặng của bà đã mang đến những đóng góp to lớn cho xã hội. Vì vậy, Tạp chí Forbes đã quyết định trao giải thưởng danh giá của mình cho bà Sáu Thia – người phụ nữ tuy nghèo khổ, giản dị nhưng có một tấm lòng cao cả, hào hiệp.
Theo Tạp chí Forbes, đây là lần đầu tiên tôn vinh phụ nữ ở mọi lứa tuổi có những hoạt động tiên phong, bứt phá vượt qua những giới hạn, nghịch cảnh của bản thân để tạo ra những tác động tích cực, đủ để xóa đi các bức tường dù hữu hình hay vô hình lâu nay vẫn cản trở sự phát triển của phụ nữ.




𝐃𝐚̣𝐲 𝐛𝐨̛𝐢 𝐯𝐢̀… 𝐭𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢
“Chứng kiến nỗi đau của những gia đình có con bị đuối nước qua truyền hình nên dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn trẻ vùng sông nước để xã hội không còn thấy cảnh trẻ em bị chết đuối thương tâm”. Đó là lý do rất đỗi giản đơn khiến bà Sáu bắt đầu “sự nghiệp” dạy bơi dù tài chính không dư dả là bao.

Thời gian đầu, bà Sáu Thia tự đóng cọc, quây lưới dưới mé sông làm thành hồ bơi dã chiến để dạy trẻ. Không phân biệt giàu nghèo, mọi phụ huynh đều có thể gửi con đến học.



Bà Sáu Thia dù chỉ với kinh nghiệm dạy bơi “miệt vườn” nhưng “mát tay”, những đứa trẻ được bà dạy rất nhanh biết bơi; nhanh nhất thì 5 ngày, chậm khoảng 10 ngày là “tốt nghiệp” bơi cấp tốc.

Tiếng lành đồn xa, suốt 19 năm thầm lặng, những phụ huynh tin tưởng và đưa con đến làm học trò của bà ngày càng đông.
Trung bình mỗi năm, bà dạy khoảng 8 lớp với khoảng 240 trẻ từ 7 – 15 tuổi. Thời gian mở lớp thường trong dịp hè, nước lũ sắp về. Mỗi buổi học khoảng 1 giờ rưỡi, kéo dài không quá 15 ngày. Ngoài khoản trợ cấp tiền xăng ít ỏi của chính quyền địa phương thì bà không nhận học phí của bất kỳ phụ huynh nào, cho dù họ “nhét túi” riêng để tỏ lòng cảm ơn.

Bà Sáu nói: “Ngày xưa, tôi vừa đi bán vé số vừa dạy bơi. Nhiều người nói sao ngu vậy, không đi bán vé số kiếm tiền, đi dạy bơi làm chi, đâu có tiền đâu. Nhưng tôi xem tivi, thấy trẻ con chết đuối nhiều quá, tội nghiệp. Nơi tôi ở bước ra cửa nhà là thấy sông nước. Tôi muốn dạy tụi nhỏ biết bơi để không phải chết đuối. Có vậy thôi!”.

Khi có lịch dạy bơi, mỗi buổi sáng bà Sáu Thia dậy sớm cưỡi chiếc xe máy cà tàng đến địa điểm, sau đó về đi làm thuê, hoặc nhận vé số đi bán dạo. Nhờ những cống hiến của bà Sáu Thia mà các vùng sông nước không có trường hợp trẻ bị đuối nước. Trả lời Tạp chí Forbes Việt Nam, bà Sáu Thia cho biết: “Tôi không chồng không con, tôi coi trẻ như con của tôi trong gia đình. Thời gian tới, lúc nào tôi khỏe thì tôi tiếp tục dạy, khi nào bánh xe tôi không còn lăn nữa thì thôi”.

𝐊𝐲̀ 𝐭𝐢́𝐜𝐡 𝐛𝐚̆́𝐭 đ𝐚̂̀𝐮 𝐭𝐮̛̀ 𝐧𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 đ𝐢𝐞̂̀𝐮 𝐠𝐢𝐚̉𝐧 𝐝𝐢̣
19 năm dạy bơi miễn phí, tính đến nay, bà đã giúp cho gần 4,000 trẻ em vùng sông nước Đồng Tháp Mười biết bơi.

Hiện tại là đang kỳ nghỉ hè, bà Sáu dạy bơi cả sáng cả chiều. Mỗi sáng, bà dậy lúc 4 giờ, nấu cơm ăn xong, 7 giờ bà chạy xe máy đi dạy bơi cho bọn trẻ. Đến 2 giờ chiều, bà lại bắt đầu một ca mới.

Rảnh rỗi, em nào không có bố mẹ đưa đón, bà còn chở về tận nhà. Thỉnh thoảng bà lại nấu cơm cho chúng ăn, coi chúng như con cháu, không so đo tính toán thiệt hơn.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thay vì dạy 40-50 đứa một lớp, bây giờ mỗi lớp của bà chỉ có 10 trẻ, tuổi từ 6 đến 15.

Chắt chiu từng việc tốt qua năm tháng, tấm lòng nhân hậu và rộng lượng của bà được đền đáp xứng đáng. Năm 2017, bà Sáu Thia đoạt giải thưởng KOVA – Tập đoàn Sơn KOVA, hạng mục sống đẹp, tấm gương tiêu biểu trong xã hội. Bà cũng vinh dự trở thành đại diện Việt Nam lọt vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu do hãng tin Anh BBC bình chọn.

Năm 2020, bà được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Và năm 2021, bà tiếp tục lọt vào “mắt xanh” của tạp chí Forbes Việt Nam.

Nếu so sánh với 19 gương mặt khác trong danh sách này, bà Sáu Thia quả thực có nhiều khác biệt. Không quyền lực, không địa vị xã hội hay học vấn cao, nhưng bà vẫn “đứng ngang hàng” với những nhân vật còn lại nhờ nhân cách và những cống hiến cho cộng đồng.

Một người phụ nữ 63 tuổi, tài sản không có gì nhiều ngoài danh sách những đứa trẻ biết bơi ngày càng tăng. Một người phụ nữ hơn một đời người dầm mưa dãi nắng làm việc nặng nhọc nên màu da sạm đen, sức vóc lực lưỡng như đàn ông nhưng lại mang trong mình trái tim nhân hậu và bao dung của một người mẹ, một người phụ nữ trung hậu. Một người phụ nữ có xuất phát điểm thấp nhưng đã tạo ra kỳ tích cho cuộc đời mình.

Kỳ tích ấy không đến từ những tài sản vật chất khổng lồ và cơ hội tầm cỡ, mà đến từ ước muốn cứu người, từ tình thương với những đứa trẻ vùng sông nước. Bằng tất cả những gì đẹp nhất trong tâm hồn, bà Sáu Thia đã tự viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường cho chính mình.
Tuệ Anh tổng hợp
Ảnh : Báo người lao động