Mai xuống ở ngã tư Ga. Từ đây về nhà gần nhất, lại có cây xăng, dễ đón xe, sáng đèn nên an toàn. Nhìn theo dáng Mai đeo ba-lô to đùng sau lưng, trên vai quàng thêm cái cặp máy tính, bước đi lầm lũi, chị chạnh lòng ghê gớm.
Câu nhận xét của Mai trước khi rời khỏi xe vẳng lại bên tai chị. Rằng, hôm nay ba chị em mình đi công tác, thì cả ba ông chồng đều đi nhậu, mặc kệ con ở nhà, vợ về trễ không có người chờ đón, thật là…
Chị muốn an ủi Mai, đừng bi quan thế, nhưng chẳng biết nói sao. Khi bản thân chị cũng cảm giác, những bữa rượu chè của chồng vẫn đang bào mòn hạnh phúc gia đình mình hằng ngày…
Ăn nhậu với danh nghĩa xã giao dường như đã là một phần tất yếu của đàn ông bây giờ. Nhiều người vẫn cho rằng, nhậu nhẹt, núp dưới mỹ từ tiếp khách sẽ mang lại cho họ cơ hội và thành công. Nhưng họ quên, những thứ mất đi do nhậu nhẹt còn nhiều hơn thế: gia đình, sức khỏe và cả lòng tự trọng.
Bao giờ thì thiên hạ mới bớt chèo kéo, khích bác nhau bằng bia rượu? Lại thích ngụy biện theo kiểu, đàn ông thằng nào chẳng nhậu!
Xin lỗi, vẫn có người không coi tụ tập chè chén là niềm vui hay cách thể hiện đâu nhé. Đó mới là đàn ông đích thực, có bản lĩnh, soái ca trong mắt chị em. Cứ nhìn cách người ta uống để biết họ là ai, thật không có gì chuẩn hơn thế…
Cuộc tình dù đúng hay sai, tới lúc phá thai vẫn là… bác sĩ. Chị chán ngán nghĩ tới cái chân lý tương tự. Rằng, dù chồng có nhậu nhẹt bê tha với bạn bè hay mấy anh em chí cốt ở đâu đó, tới lúc đổ bệnh phải đến bệnh viện cấp cứu, thì vẫn là bà vợ khốn khổ đi cùng.
Khi chồng nâng ly vù qua sao Kim, xẹt qua sao Hỏa thì vợ chẳng là cái đinh gỉ gì. Tới hồi nằm đút cháo, bưng bô thì mới nắm tay vợ thều thào: “Đừng bỏ anh”. Tôi là tôi bỏ tuốt!
Chị hậm hực nghĩ, rồi ngay và luôn, nó lậm vào người. Đêm hôm ấy, chồng chị than khó thở, lăn lộn trên giường, chị vì lo mà phải gọi taxi đưa anh vào bệnh viện.
Cô bác sĩ trực cấp cứu buông một câu khiến chị như vừa được rửa hờn: đau dây thần kinh liên sườn thôi, chưa phải đột quỵ đâu. Mà cũng do uống bia rượu nhiều quá, vẫn còn nghe mùi đây mà!
Chị từng nghe Mai kể, cô ấy đã tuyên bố với chồng: nếu bệnh tật do trời bắt tội thì phải chịu, chứ “sứt càng, gãy gọng” nằm một chỗ do ăn nhậu gây ra, hoặc do rượu bia mà gặp tai nạn, thì tôi không chăm đâu nhé.
Đừng bao giờ nghĩ tới chuyện tôi bỏ công việc, bán nhà để lo cho con sâu rượu. Nghe qua thấy bạc bẽo, nhưng Mai nói không sai. Nếu chẳng may chồng Mai bù khú về trễ, gặp tai nạn giao thông, hay đơn giản là xỉn quá té ngã, không lẽ Mai phải nghỉ làm để nuôi chồng trong bệnh viện? Rồi con cái ai trông? Nhà còn bà mẹ chồng đã ngoài tám mươi phải thuốc thang mấy năm nay.
Nặng gánh thế nhưng chồng Mai vẫn cứ thản nhiên la cà tới đêm mới về, thật vô trách nhiệm. Mẫu người như thế, tốt hơn hết nên sống độc thân để dễ bề vui chơi, bay nhảy, chứ kết hôn rồi sinh con làm chi cho đời thêm bi kịch…
Đêm về sáng hôm ấy, khi chị đưa chồng từ bệnh viện về, đứa con trai lên mười, thốt một câu: "Con căm ghét rượu!". Chồng chị im lặng bước vào, giả tảng như chẳng biết vợ con vừa qua một đêm dài khổ sở vì mình.
Chị loay hoay với ý nghĩ, chẳng biết rồi đời con chị có khác với đời của ba nó, hay cũng nối dài bằng những trận say túy lúy từ ngày này qua tháng khác. Biến ông bố gần gũi, dịu dàng thành một kẻ côn đồ, chửi vợ đánh con.
Chẳng rõ, rồi đứa con trai ấy khi lớn lên, có nhớ tới câu nói hôm nay của mình, có nhớ tới hình ảnh khốn khổ của mẹ mình và chính mình khi đối diện với chai rượu, ly bia, hay rồi cũng dần trở thành con sâu rượu, ham vui, thích nhậu?
Chị ôm nó vào lòng vỗ về mà đau đáu về ngày mai của con...
An Nhiên / phunuonline.com.vn