Cùng với sự phát triển kinh tế, cuộc sống tinh thần - vật chất của mỗi con người, của mỗi gia đình ngày càng được phong phú hơn, nhu cầu hưởng thụ cũng đa diện, đa dạng hơn; Ở một số người thiếu sự lựa chọn đúng đắn trong nhu cầu hưởng thụ, thiếu bản lĩnh trước sự tác động mạnh mẽ liên tục của lối sống tiêu dùng, ngày càng xa rời đạo lí gia đình, xa rời quan hệ tình nghĩa, rồi rơi vào quỹ đạo “ Giàu bỏ bạn -_sang bỏ vợ” và cuối cùng là dẫn đến hệ quả : Ly tán, chia xa quan hệ gia đình.
Hôn nhân không chỉ là quả ngọt là thiên đường, là hạnh phúc mà còn là trái đắng, là địa ngục là tận cùng của sự bất hạnh, tận cùng của sự đau đớn cho nhiều người, di hại cho nhiều thế hệ. Sự xuất hiện của một số bài thơ gần đây viết về đề tài li hôn, chủ yếu tập trung khai thác những cảnh đời cụ thể. Không những đơn thuần tìm kiếm những cảm thông chia sẻ hay sự an ủi vỗ về mà lưu ý xã hội cần quan tâm hơn nữa đến những cá thể đơn côi trong dòng người ồn ả và đặc biệt là cảnh tỉnh cho những người làm cha, làm mẹ trước những đam mê nhất thời mà bỏ rơi con cái .
Bằng những câu thơ, Triệu Kim Văn đã dồn nén, lèn chặt nỗi đau tận cùng nhức nhối trong tâm hồn của một em bé: Bố mẹ bỏ nhau để chị không tiền chữa bệnh mà phải chết, bản thân em không có tiền nộp học. Bài thơ đề cập đến nhiều vấn đề xót xa đặc biệt trong sự khó hiểu của trẻ thơ có cả ngậm ngùi hờn oán .
Bố mẹ ơi ! sao bố mẹ bỏ nhau
Để chị con không tiền chữa bệnh
Bây giờ hồn bơ vơ lạc đâu
( Em muốn học -Triệu Kim Văn )
Nguyên nhân của sự bất hạnh đó do chính bố mẹ gây nên, bài thơ không đao to, búa lớn nhưng đã rung lên một tiếng chuông cảnh tỉnh những cặp vợ chồng lấy nhau đã dễ mà bỏ nhau cũng dễ. Hãy nghĩ đến những đứa trẻ vô tội do họ sinh ra ...Bài thơ gợi những suy tư về một vấn đề trong đạo lí gia đình, đạo lí xã hội.
Sao bố mẹ bỏ nhau ,bỏ nhau
Để con không có tiền nộp học ?
Một em bé không tuổi thơ, không được học hành, sớm phải mồ côi đơn lẻ, phải lăn lóc ngụp lặn trong cuộc đời để kiếm sống, để tồn tại .
Ai mua bánh mì không
Hai ngàn đồng một chiếc
Ai có nghe con mình
Đang rao bán tuổi thơ
Nhiều em nhỏ là nạn nhân của bao cặp vợ chồng ly hôn đã bị vứt ra lề đường xã hội với những công việc, nặng nề, quá sức mưu sinh :
Cha ở đâu ? Mẹ ở đâu ?
Ai xui em hát những câu buốt lòng ?
Phố dài dội tiếng hát rong
Giọng non tơ để nhức lòng người qua .
( Bài thơ khó đặt tên - Lưu Tuyết Minh )
Đây nữa, một đứa trẻ ăn xin, lại một em bé đánh giày và bao em lang thang trên hè phố, trong số đó đa phần bị bố mẹ bỏ rơi. Bài thơ Khó đặt tên của Lưu Tuyết Minh thấm đẫm nước mắt của nỗi đau nhân tình. Em bé níu kéo, van nài xin người qua lại những gì để tồn tại phần “Con”, tác giả thành kẻ ăn mày để có được phần “Người” nhân văn, nhân ái .
Thôi nào bé lỏng bàn tay
Chị xin em ...ánh mắt này bé ơi
Nặng nề bàn tay buông rơi
Bé ơi sao nói những lời xót đau
( Bài thơ khó đặt tên -Lưu Tuyết Minh)
Cùng một tấm lòng trên cùng một bình diện tình người nhân bản triển khai trên cùng một mạch cảm xúc về số phận em bé nhỏ bị bỏ rơi bất hạnh lang thang, khốn khổ, không nơi nương tựa ở chốn thị thành với những công việc tạp vụ nặng nề.
Thời gian không làm vơi đi dòng nước mắt đong đầy đau khổ, không khỏa lấp nỗi trống vắng cô đơn, không giảm được tiếng nấc ngẹn ngào của bao em nhỏ khi bố mẹ chia xa ra tòa ly dị “ Hai chị Em” của Vương Trọng là một bài thơ thành công trên nhiều phương diện, vượt qua được sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian, sống mãi với chủ đề này trong đời sống văn học, bài thơ có cái nhìn của người bình tâm tỉnh trí, một cách nhìn nhân ái, nhân văn và đầy trách nhiệm :
Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa
Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ
Đứa còn mẹ thì thôi mất bố
Hai chị em rồi sẽ mất nhau
( Hai chị em - Vương Trọng )
Cùng một chủ đề khai thác nhưng ở một dạng thái không giống Vương Trọng , Với bài “Ly hôn” Đặng Thái Vân nói lên sự sòng phẳng đến tàn nhẫn, phủ phàng. Những kỷ niệm ấm êm của gia đình bị dẹp bỏ mọi giá trị được tính toán quy về “tiền-vàng” để sau khi thỏa mãn bằng lòng với sự chia chác:
Vàng bán nhà mẹ giấu ngang lưng
Tiền bán tủ cha luồn túi ngực
Trong khi “người lớn ngủ” thì “trẻ con vẫn thức” những tâm linh tinh thần tình cảm không có trong chương trình cuộc sống của cha mẹ khi mỗi người mỗi ngã .Chốn pháp đình thâm nghiêm nơi lí lẽ được tôn thờ tối thượng, nơi phán quyết việc hôn nhân cha mẹ :
Tiếng khóc em
Chợt vỡ
giữa phiên tòa
( Ly hôn - Đặng Thái Vân)
Những người bố, người mẹ trước quyết định ly hôn cần lùi lại một khoảng thời gian nhận diện lại chính mình, tránh sự đỗ vỡ có thể phải trả giá cho cả phần đời còn lại . Hôn nhân cũng như tình yêu, ngoài cảm xúc mới mẻ luôn phải điều tiết, củng cố bổ sung là phép cộng, phép nhân trách nhiệm nghĩa vụ không chỉ với nhau cho nhau mà chủ yếu, chính yếu cho con cái hôm nay và mai sau. Một lần nông nỗi là trả giá suốt đời :
Phép chia của tình yêu
là một lần nông nỗi
Tình yêu không phép trừ
(Nói với anh - Đoàn Thị Lam Luyến )
Một số bài thơ tập trung ở thời điểm giới hạn chông chênh của hôn nhân cha mẹ. Khai thác những suy tư chủ yếu của con trẻ, nhằm níu kéo, thức tỉnh gợi sự hướng thiện và trách nhiệm bằng tình cảm ruột thịt. Sự bảo bọc, cưu mang của một người cha đầy tình thương với con cái vẫn không khỏa lấp sự trống vắng vẫn hẫng hụt trong gia đình khi thiếu người mẹ .
“mà con biết nơi tận cùng sâu lắng
ba đang nhớ mẹ con
già nửa cuộc đời vất vả lo toan
ba chẳng dành riêng cho mình một ngày vui nào cả”
( Tặng ba - Trần Thúy Nga )
Một người cha “yêu thương dành đóa hồng cho con” nhưng nơi tận cùng sâu lắng vẫn chôn chặt lưu giữ một bóng hình người mẹ “ còn trái tim ba vẫn dành cho mẹ” một tình cảm thủy chung, một tấm lòng độ lượng cao cả sẽ là cơ hội, là điều kiện phục sinh hôn nhân hạnh phúc :
“Mẹ ở đâu sao không về ...ngày lễ
Để nhận từ ba một hạnh phúc vẹn toàn”
Ở một phương diện khác “ Về thôi ba” của Đặng Thị Minh Kiểm là lời nhắn gọi, nhắc nhở tâm tình :
” Em còn bé nó ngây thơ khờ dại - chỉ lo ba quên mất buổi khai trường”
và hình ảnh mẹ chịu đựng mỏi mòn với bao vất vả, lo toan :
Bóng mẹ gầy đêm hôm lầm lủi
C
ó chút oán trách, có chút hờn tủi nhưng trên hết vẫn là sự thức tỉnh :
Về thôi ba xin đừng xao nhãng
Chỉ mẹ con thôi mới yêu nhất ba mình
( Về thôi ba - Đặng Thị Minh Kiểm )
Cùng với chủ đề với “Về thôi ba “ bài “ Về đi em “ của Vương Tâm tập trung khai thác những kỷ niệm êm ấm của quá khứ, hạnh phúc nhận diên lại chính mình đầy thiện chí trách nhiệm với hôn nhân, gia đình.
Nhìn chung, tuy không nhiều nhưng với một số bài thơ đã đề cập đến một thực tế xã hôị: Cuộc sống thua thiệt của những em bé mà nguyên nhân là do bố mẹ thiếu trách nhiệm bỏ rơi. Lưu ý xã hội, lưu ý mỗi người trở về với những tiêu chí truyền thống của tình mẫu tử, tình phụ tử. Đặt ra vấn đề cho những người cha, ngưòi mẹ có những suy tư về đạo lý ở đời và đạo lý làm người. Cần tỉnh trí có một tâm thế bình ổn lắng nghe tiếng khóc gào, hờn oán:
Nín đi em ...Em khản giọng khóc gào
Chị mếu máo đầm đìa nước mắt
Những bố mẹ bên bờ chia cắt
Phút giây thôi hãy nghe tiếng con mình"
( Hai chị em - Vương Trọng )
Tác giả: Văn Huân / Cổng thông tin điện tử UBND Quảng Nam